Lịch sử Chùa_Dụ_Tiền

Chùa Dụ Tiền là một ngôi chùa có lịch sử ra đời từ thời Trần, trải qua thời gian cũng như thăng trầm lịch sử nên hình dáng của ngôi chùa cổ không còn. Hiện tại, kiến trúc chùa gồm các hạng mục: cổng, Tiền đường, Thượng điện, Nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà Khách.

Chùa Dụ Tiền ngoài thờ Phật theo phái Đại Thừa còn thờ Đức Thánh Tổ. Lai lịch và hành trạng của Đức Thánh Tổ được nhân dân Dụ Tiền thánh hóa như sau: Ngài được vua Thủy Tề phái xuống làm cỗ chay cho vua. Ngài xuống long cung từ Đầm Lâu (nay thuộc Thanh Văn, Thanh Oai), bỗng nhiên có hai ông Lốt rẽ nước đưa ngài xuống. Sau khi Ngài làm cỗ mừng cho vua Thủy Tề xong, vua biết ơn và ban cho Ngài một mâm cam vàng. Ngài đã khước từ và chỉ nhận một quả rồi lên mặt đất ở khu vực Mục Xá (nay thuộc Cao Dương, Thanh Oai). Chỗ Ngài lên vua Thủy Tề đã cho dựng một ngôi chùa bằng đá (Hiện tại ngôi chùa chỉ còn chân cột, nóc bị bay mất vì khi vua Thủy Tề ban cho một ngôi chùa thì Ngài chỉ nói một câu "chùa đẹp nhưng thấp" lập tức nóc chùa bay mất.

Sau đó, Ngài quay về quê hương làm việc thiện giúp đỡ dân lành. Trước khi qua đời, Ngài tự cho đúc tượng mình rồi lấy củi chất xác và hóa. Sau khi Ngài mất, người dân đã an táng thi thể của Ngài ở cánh đồng, chỗ mộ của Ngài được nhân dân dựng bia, tấm bia có niên đại Cảnh Trị tam niên.

Tượng của Ngài được nhân dân đưa vào chùa phối thờ thành một vị Thánh tăng, tạo thành một kiểu kiến trúc thờ: Tiền Thánh hậu Phật.